Tạo mẫu phiếu khảo sát lấy ý kiến khách hàng trong word 2007, 2010, 2013.

Bài viết hướng dẫn cách tạo mẫu phiếu (form) khảo sát, thu thập thông tin trong word 2007, 2010, 2013, tạo mẫu tham khảo ý kiến, mẫu chọn thông tin từ bảng câu hỏi trong word.

Việc thu thập thông tin ý kiến của khách hàng hoặc của những người khác là công việc rất hay thường xuyên làm ở các công ty.

Vậy làm cách nào để có thể tạo được các mẫu khảo sát, bảng câu hỏi, mẫu form chỉ cho lựa chọn đáp án trong word. Giống như hình bên dưới

– Chỉ cho chọn đáp án, bằng cách nhấn chọn vào giá trị đó

– Đặt mật mã bảo vệ form, không có phép người nhập sửa các thành phần câu hỏi hoặc lựa chọn trong mẫu, mà chỉ cho chọn đáp án.

MS word 2007, 2010, và word 2013 có một công cụ nâng cao rất hữu ích để có thể làm được việc này.

Đầu tiên bạn sẽ phải bật công cụ này lên trong word bằng cách vào thẻ menu FILE/Chọn tiếp OPTION, sau đó chọn tiếp Customize Ribbon, hiện lên một bảng các thanh menu, bạn chọn bật chức năng menu Developer lên (như hình).

Bước tiếp theo là các bạn sẽ chèn các ô vuông để cho khách hàng hoặc người khảo sát chỉ việc đánh vào ô tùy chọn đó là ô đó được chọn, ở đây mình sẽ tạo ô vuông cho khách hàng nhấn vào chọn.

Các bạn vào thẻ menu Developer trên thanh Ribbon, sau đó chọn để chèn vào ô dấu check, như trong hình bên dưới.

Sau khi chọn xong thì bạn sẽ có được ô check tại vị trí câu trả lời, nhưng nó bị nền màu đen, do đang trong chế độ chỉnh sửa, bạn chọn tiếp sang chế độ hoàn tất theo như hình dưới để ô trả về màu trắng.

Đến đây các bạn gần như đã hoàn tất được mẫu form khảo sát ý kiến bằng word rồi, bây giờ chỉ cần các bạn chọn chức năng đặt mật khẩu để bảo vệ file này, để bạn gửi cho những người khảo sát thì họ chỉ được chọn vào đáp án chứ không được sửa câu hỏi hay đáp án, chức năng này trong word được gọi là giới hạn chỉnh sửa (Restrict Editing)

Để giới hạn không cho người khảo sát sửa đổi nội dung trong file khảo sát, các bạn vào tùy chọn Developer /Restrict Editing, hiện ra bảng Restrict Editing, các bạn vào đánh dấu vào thẻ Allow only this type of editing in the document, tại mục thứ 2 Editting restriction và chọn Filling informs, sau đó chọn tiếp Yes, start Enforcing protection, và đặt password 2 lần để bảo vệ file khảo sát này (xem trong hình dưới)

Bây giờ các bạn chỉ cần gửi mẫu khảo sát này cho khách hàng hoặc người nào đó để thu thập thông tin và họ chỉ được phép đánh dấu chọn, chứ hoàn toàn không thể sửa được file này, sau đó bạn sẽ thu thập lại kết quả bằng cách lấy file word của họ gửi về và làm tổng kết.

Chúc các bạn thành công

Vui lòng ghi rõ nguồn nếu bạn phát hành lại thông tin từ website này.

Không dùng kiểm tra định kỳ để xếp loại học sinh tiểu học

Chiều 25/12, Bộ GD-ĐT có công văn đề nghị các Sở GD-ĐT tuyên truyền, giải thích để giáo viên, cha mẹ học sinh hiểu và nhận thức đúng về việc kiểm tra định kỳ.
Theo đó, Bộ GD-ĐT đề nghị các Sở GD-ĐT chỉ đạo các phòng GD-ĐT, các trường tiểu học ở địa phương đổi mới công tác quản lý, giảm các thủ tục, hồ sơ hành chính, tổ chức sinh hoạt chuyên môn.

Các trường tạo điều kiện cho giáo viên tập trung vào công việc chuyên môn làm quen với những cách nhận xét, hướng dẫn hỗ trợ học sinh trong quá trình học tập và rèn luyện.

Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường tiểu học kiểm tra định kỳ học sinh

Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu sở GD-ĐT hướng dẫn các trường tiểu học tổ chức kiểm tra định kỳ học sinh tiểu học.

“Việc kiểm tra định kỳ được tổ chức theo thời khóa biểu vào buổi học chính khóa, không gây áp lực, lo lắng, băn khoăn cho học sinh và phụ huynh.”, Bộ GD-ĐT cho biết.

Bộ GD-ĐT đề nghị các Sở GD-ĐT tuyên truyền, giải thích để giáo viên, cha mẹ học sinh hiểu và nhận thức đúng về việc kiểm tra định kỳ. Bài kiểm tra định kỳ được giáo viên sửa lỗi, nhận xét những ưu điểm, góp ý những hạn chế của học sinh và được chấm điểm.

Điểm của bài kiểm tra định kỳ không dùng để xếp loại học sinh hay để so sánh học sinh này với học sinh khác mà chủ yếu để giáo viên, cha mẹ học sinh kiểm chứng lại việc nhận xét, đánh giá thường xuyên quá trình học tập của học sinh trong học kỳ, trong năm học.

Nếu kết quả bài kiểm tra chưa phù hợp với các nhận xét, đánh giá thường xuyên, giáo viên cần xem xét, tìm hiểu nguyên nhân để có thể điều chỉnh cách dạy, cách hướng dẫn giúp đỡ học sinh.

Theo Bộ GD-ĐT, giáo viên có thể cho học sinh làm bài kiểm tra khác để xác định thực chất năng lực học sinh hay hiệu quả các giải pháp giáo dục đã được áp dụng. Mục đích cuối cùng vẫn là vì sự tiến bộ của học sinh, nhằm giúp học sinh học được và học tốt.

Bộ đề nghị sở GD-ĐT chọn 5 đề kiểm tra định kỳ học kỳ I/1 môn học/1 lớp của 5 trường tiểu học ở địa phương và gửi về Bộ trong tháng 1/2015.

Kỳ thi quốc gia: Chỉ muốn tốt nghiệp, vẫn phải thi như đại học

Dự thảo quy chế thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia 2015 đưa ra phương án thí sinh phải thi tại các cụm thi liên tỉnh. Điều này khiến nhiều học sinh vùng sâu vùng xa, học sinh nghèo chỉ muốn lấy bằng tốt nghiệp THPT cảm thấy lo lắng vì sẽ phải đi thi như thi đại học
Áp lực đè nặng thí sinh

Được tin năm tới sẽ phải lên TP. Điện Biên hoặc sang tỉnh khác để thi tốt nghiệp, em Vừa Mý Kỵ – học sinh Trường THPT Hoàng Su Phì (Hà Giang) không khỏi lo lắng. Kỵ cho biết, em sức học trung bình, chỉ muốn thi lấy bằng tốt nghiệp rồi đi học nghề hoặc về quê lập nghiệp chứ chưa bao giờ có ý định thi đại học (ĐH). Từ nhà Kỵ đến trung tâm xã đã mất khoảng 5km, lên trường cũng gần 30km, nếu phải đi thi tại TP.Hà Giang thì phải đi thêm 60km nữa. Như vậy, tổng quãng đường phải đi lên tới gần 100km, nếu thi ở tỉnh khác thì khoảng cách đó còn xa hơn: “Nhà em nghèo, đi thi mất 2 ngày cũng tốn tiền lắm, đi xa mệt mỏi sợ ảnh hưởng đến việc làm bài. Nếu như được thi ở trường như trước thì tốt quá, dù sao em cũng chỉ muốn đỗ tốt nghiệp thôi” – Kỵ cho biết.
Thí sinh hớt hải đi thi trong kỳ thi ĐH 2013, cảnh này liệu có tái diễn trong kỳ thi THPT quốc gia 2014. (Ảnh: Đàm Duy)

Cùng lo lắng này, cô Nguyễn Thị Hương – giáo viên một trường THPT ở Ngọc Lặc (Thanh Hóa) cũng cho biết: “Nhiều học sinh vùng khó không có ý định thi ĐH, các em chỉ mong muốn có được tấm bằng tốt nghiệp, thậm chí có nhiều em học rất kém không có khả năng đỗ tốt nghiệp. Số này thường rơi vào học sinh nghèo, dân tộc. Nếu bắt các em cũng phải rồng rắn đi thi, cùng chịu áp lực như thí sinh thi để xét vào ĐH thì khổ cho các em quá”. Cũng theo cô Hương, việc vận động, hỗ trợ để học sinh vùng sâu vùng xa học lên cấp 3 cũng đã khó khăn, nếu học rồi thi tốt nghiệp khó như thế này e rằng các em sẽ bỏ học nhiều sau khi tốt nghiệp THCS.

Tương tự, Hiệu trưởng Trường THPT Sơn Động (Bắc Giang) ông Vi Hồng Quân cũng cho biết, các năm trước, nhiều học sinh của trường phải đi tới 25km đến các điểm thi, trường cũng phải bố trí xe đưa đón. “Nếu năm nay thi tại TP.Bắc Giang hoặc sang tỉnh khác thì nhiều em phải đi quãng đường hàng trăm km, việc ăn ở, đi lại trong 3 – 4 ngày sẽ rất khó khăn”- ông Quân nói. Trong khi đó, theo ông Quân, hàng năm, nhu cầu học sinh đăng ký thi ĐH-CĐ của trường chỉ khoảng 30%.

Cần cân nhắc phương án thi cụm

Giải quyết vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phạm Vũ Luận cho biết, Bộ đã có phương án cho 20% học sinh chỉ thi để lấy bằng tốt nghiệp. Cụ thể, Bộ sẽ miễn lệ phí thi cho đối tượng này và yêu cầu địa phương lên phương án đưa đón học sinh đi thi an toàn. Kinh phí hỗ trợ từ khoản tiết kiệm được do bỏ một kỳ thi.

Bộ trưởng giải thích: “Trong các kỳ thi tốt nghiệp trước, kinh phí từ ngân sách chi cho mỗi học sinh là 400.000 đồng, với 1 triệu học sinh mất khoảng 400 tỷ đồng. Nay con số chỉ còn 20% sẽ giảm được 320 tỷ đồng. Số tiền này sẽ dùng hỗ trợ việc đưa đón học sinh đi thi ở các thành phố” – ông Luận nói.

Tuy nhiên, theo góp ý của TS Nguyễn Tùng Lâm – Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), đối với các tỉnh miền núi như Sơn La, Điện Biên, Lai Châu… điều kiện địa hình khó khăn thì nên sử dụng phương án mỗi tỉnh một cụm thi thì khả quan hơn tổ chức cụm thi liên tỉnh. “Việc đặt cụm thi ở tỉnh không chỉ giúp thí sinh đỡ vất vả hơn mà còn tăng cường trách nhiệm của địa phương trong việc tổ chức. Nếu cụm thi nào để xảy ra sự cố sẽ bị xử lý kỷ luật nghiêm khắc” – ông Lâm đề xuất.

Trong khi đó, lãnh đạo nhiều trường THPT lại cho rằng, không nhất thiết phải đưa 20% học sinh chỉ muốn tốt nghiệp lặn lội hàng trăm km để đi thi. Theo ông Vy Hồng Quân, hàng năm các tỉnh đều đạt đến mức trên 90% đỗ tốt nghiệp, vì vậy chỉ cần làm nghiêm túc, chia 20% đối tượng này ở các cụm cấp huyện sẽ thuận lợi hơn cho các em.

Theo tính toán của Bộ GDĐT, hàng năm có khoảng 20% học sinh không có nhu cầu thi vào ĐH -CĐ. Con số này phần lớn rơi vào học sinh nghèo, học sinh vùng sâu, vùng xa, việc đi lại, chi phí ăn ở là vấn đề khó khăn với các em.

10 câu hỏi du lịch được thắc mắc nhiều nhất trên Google 2014

0 câu hỏi du lịch được thắc mắc nhiều nhất trên Google 2014
Công việc nào được đi du lịch nhiều nhất hay làm thế nào để vừa đi du lịch lại vừa có tiền là những câu hỏi được nhiều người tìm kiếm nhất trong năm qua.
Chuyện buồn vui của du lịch 2014 / Những ấn tượng của du lịch Việt năm 2014
1. Làm thế nào để đi du lịch thế giới?

Ngoài những mối quan tâm thiết thực như visa, bảo hiểm du lịch, Google còn cho biết câu hỏi liên quan đến du lịch được quan tâm nhiều nhất trong năm qua chính là việc làm thế nào để chu du khắp thế giới. Điều đó chứng tỏ ngày nay, số lượng du khách muốn đi du lịch bốn phương, mở rộng tầm mắt ngày một tăng lên và càng nhiều người muốn biến móng ước đó trở thành hiện thực.
2. Làm thế nào để du lịch tiết kiệm?

Không phải cứ là dân du lịch sẽ là người lắm tiền, nhiều của. Đa số du khách đều mong muốn có chuyến đi lý thú cùng giá cả phải chăng. Vì vậy, họ thường lên mạng thu thập lời khuyên của mọi người để có thể áp dụng trong kỳ nghỉ của mình.

3. Làm blog du lịch như thế nào?

Làm blog du lịch là một trào lưu khá hot và phổ biến đối với những người có đam mê dịch chuyển hiện nay. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc bạn sẽ phải cạnh tranh với nhiều blog du lịch có tiếng khác nếu muốn sản phẩm của mình có lượng lớn người theo dõi. Và việc tìm hiểu kinh nghiệm của các blogger nổi tiếng cũng là một cách để bắt đầu trang cá nhân của mình.

4. Công việc nào được đi du lịch nhiều nhất?

Vừa đi du lịch lại vừa có tiền là ước mơ của không ít người. Đó cũng là lý do khiến nhiều du khách trên thế giới lên mạng “hỏi” Google đến vậy.
5. Làm thế nào để du lịch một mình?

Nhiều người có tính cách độc lập thường không muốn phụ thuộc vào ai và muốn được tự do làm theo ý mình. Đó là lý do họ muốn đi du lịch “độc thân”. Và việc tìm lời khuyên để du lịch một mình vừa an toàn, vừa tiết kiệm trên mạng cũng là một trong những điều cần thiết và dễ làm nhất.

6. Làm thế nào để được trả tiền đi du lịch?

Ai cũng yêu thích du lịch nhưng cũng không phải ai cũng đủ kinh tế để thực hiện ước mơ này. Do đó không ít người đã tìm kiếm những lời khuyên trên mạng từ các “tiền bối” đi trước để học hỏi kinh nghiệm cho một chuyến “vừa đi chơi lại vừa có tiền”.

7. Mẹo gấp một chiếc áo sơ mi?

Nhiều người cảm thấy lo lắng vì họ sợ áo sơ mi bị nhàu trong chuyến đi mà đến nơi mới lại không có bàn là. Và đó là lý do nhiều người thường tham khảo mẹo để quần áo không bị nhàu khi đi du lịch.

8. Thời gian tốt nhất để du lịch châu Á là bao giờ?

Châu Á có diện tích rộng lớn, vì vậy bạn chớ ngạc nhiên nếu ở Bangkok thời tiết đang nóng như đổ lửa trong khi ở Seoul đã lạnh run người. Để có chuyến đi tham quan như ý tới các quốc gia châu Á, du khách thường kiểm tra thông tin kỹ lưỡng trên mạng, nhất là về thời tiết tại nơi mình sẽ đến.

9. Làm sao để xin visa du lịch?

Visa là một trong những vấn đề quan trọng đối với du khách khi muốn đi du lịch. Tại nhiều nơi, thủ tục xin visa khá phức tạp nên nhiều người chưa có kinh nghiệm thường lên mạng để xin tư vấn để có thể chủ động hơn trong vấn đề này.

10. Có cần thiết phải mua bảo hiểm du lịch?

Bảo hiểm du lịch là yếu tố quan trọng, nhưng lại thường bị nhiều du khách bỏ quên trong mỗi chuyến đi. Việc mua bảo hiểm du lịch trước khi ra nước ngoài có thể giúp tránh những phiền phức không đáng có về mặt tài chính cho bản thân, gia đình, bạn bè và những người xung quanh trong trường hợp không may xảy ra tai nạn.

Anh Minh (theo CNTraveler)

Bộ Giáo dục tìm ứng viên viết chương trình, sách giáo khoa

Bộ GD&ĐT đã gửi công văn đến các trường đại học lớn và ký kết văn bản hợp tác với Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam, đề nghị giới thiệu ứng viên đủ khả năng viết chương trình, sách giáo khoa.
Từ năm 2018, học sinh bắt đầu sử dụng sách giáo khoa mới
TS Nguyễn Anh Dũng, thành viên Ban chỉ đạo đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông (Bộ GD&ĐT) cho biết, ngay sau khi Quốc hội quyết định thông qua Nghị quyết, Bộ đã chuẩn bị những công việc để thực hiện đề án, thử nghiệm một số phương pháp như mô hình trường học mới VNEN, bàn tay nặn bột, tích hợp liên môn.


TS Nguyễn Anh Dũng cho biết Bộ Giáo dục đã gửi công văn đến các trường đại học lớn đề nghị giới thiệu ứng viên viết chương trình, sách giáo khoa. Ảnh: HT.
Ngày 9/12, Bộ Giáo dục đã họp đưa ra tiêu chí chọn lựa tác giả viết sách giáo khoa, đảm bảo có người trẻ, ít kinh nghiệm nhưng có điều kiện phát triển, kết hợp với người từng làm chương trình nhưng có thể tuổi cao và giáo viên phổ thông.

Ông Dũng cho biết, hiện Bộ Giáo dục đã gửi công văn đến các trường đại học lớn như ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Khoa học Xã hội Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TP HCM), các trường ĐH Sư phạm trọng điểm, trường sư phạm nhạc họa… đề nghị giới thiệu tác giả có tiềm năng để viết chương trình, sách giáo khoa.

Ngoài ra, Bộ đã ký kết văn bản hợp tác với Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam từ nay đến năm 2020 về việc phối hợp thực hiện nhiệm vụ khoa học kỹ thuật, giới thiệu các tác giả có thể tham gia viết sách giáo khoa. Bộ Giáo dục cũng đã xin ý kiến Hội cựu giáo chức về các chính sách, đổi mới giáo dục.

“Việc tìm người viết chương trình, sách giáo khoa không hề dễ dàng. Lần trước Bộ cũng gửi công văn xuống cơ quan có tiềm năng để ứng cử người. Sau đó một Hội đồng có uy tín được chọn lựa. Tuy nhiên, nhược điểm của những lần trước là chúng ta quá coi trọng các nhà khoa học cơ bản, số lượng nhiều nên chương trình mang nặng tính hàn lâm. Việc viết sách có thêm các nhà khoa học sư phạm nhưng không có giáo viên phổ thông nên sách giáo khoa có hạn chế”, ông Dũng nói.

Để khắc phục những tồn tại đó, lần này sẽ có tổng chủ biên chịu trách nhiệm trước Hội đồng giáo dục quốc gia, mỗi môn sẽ có chủ biên thực hiện nhiệm vụ, báo cáo trước tổng chủ biên.

Tinh thần của đổi mới chương trình, sách giáo khoa lần này là giảm số đầu môn, giảm dung lượng và tích hợp kiến thức. Những môn nào trùng hợp, gần nhau thì hình thành các chủ đề liên môn – đó là những chủ đề hội tụ, liên kết. Nội dung chương trình giáo dục phổ thông sẽ tích hợp cao lớp dưới, phân hóa dần lớp trên (THPT). Đây là xu hướng của thế giới.

Tiểu học sẽ có môn độc lập Toán, Tiếng Việt, Đạo đức, tích hợp lĩnh vực khoa học tự nhiên – xã hội – nghệ thuật thành tìm hiểu tự nhiên xã hội ở lớp 1, 2, 3; lớp 4 -5 và THCS sẽ tách thành nhánh khoa học tự nhiên và nhánh tìm hiểu xã hội. “THPT vẫn là Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa, ngoài ra có môn tích hợp nhưng mức độ như thế nào, những khó khăn của giáo viên có thể gặp phải và cách giải quyết sẽ cần bàn thêm”, ông Dũng cho hay.

Hoàng Thuỳ
http://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/bo-giao-duc-tim-ung-vien-viet-chuong-trinh-sach-giao-khoa-3119437.html

Máy bay QZ8501 gặp nạn vì “góc quan tài”?

Góc quan tài là độ cao mà vận tốc tối thiểu của máy bay chạm ngưỡng vận tốc tối đa, khiến máy bay rơi vào tình trạng không thể kiểm soát nổi.
Vụ chiếc máy bay mang số hiệu QZ8501 của hãng hàng không AirAsia mất tích bí ẩn trên vùng biển Java của Indonesia có nhiều điểm tương đồng với thảm họa hàng không khi máy bay Airbus A330 mang số hiệu 447 của hãng Air France gặp nạn ở Brazil năm 2009.

Theo các chuyên gia hàng không, những sai sót của phi công được cho là nguyên nhân chính dẫn đến thảm họa trong vụ tai nạn của Air France 447, và chiếc QZ8501 cũng trải qua một chuỗi sự kiện giống hệt như máy bay của Air France trước khi chiếc máy bay này đâm xuống Đại Tây Dương.
Mảnh vỡ của chiếc Air France 447 được tìm thấy trên Đại Tây Dương

Toàn bộ 228 người đã thiệt mạng trong vụ tai nạn của Air France 447, tất cả đều là hậu quả của việc máy bay rơi vào những cơn bão nhiệt đới trong quá trình bay.

Trong vụ tai nạn ở AirFrance 447, sau khi gặp sự cố trong điều kiện mưa bão, chiếc máy bay của hãng Air France vọt lên độ cao bất thường, giống như chiếc QZ8501 tăng độ cao trước khi mất tích, khi phi công quyết định tăng độ cao từ 9.700 mét lên 11.500 mét.

Theo thông tin từ hãng AirAsia, chiếc máy bay mất tích của họ đã tìm cách thay đổi hành trình bay để tránh một vùng thời tiết xấu mà họ quan sát được.

Phi công của chiếc QZ8501 đã liên lạc với đài kiểm soát không lưu, đề nghị tăng độ cao của máy bay và rẽ trái để tránh một vùng thời tiết phức tạp. Chỉ vài phút sau, chiếc máy bay bất ngờ biến mất trên màn hình radar của đài kiểm soát không lưu Jakarta.

Vị trí chiếc máy bay QZ8501 mất liên lạc với đài kiểm soát không lưu

Quyết định tăng độ cao của phi công đã khiến những chuyên gia có kinh nghiệm thắc mắc, bởi nó có thể khiến máy bay bay qua những cơn bão hình thành ở độ cao 12.000 mét vốn cực kỳ nguy hiểm.

Những dữ liệu ban đầu cho thấy sau khi tăng độ cao, chiếc Airbus A320 này đã giảm vận tốc xuống mức thấp đến nỗi gần như đứng yên, và điều này khiến các chuyên gia hàng không nghi ngờ rằng hệ thống máy tính trên máy bay đã hiển thị tốc độ sai do hiện tượng đóng băng các cảm biến vận tốc bên ngoài máy bay.

Dù tối tân đến đâu, không chiếc máy bay nào có thể bay qua những đám mây bão cực lớn bên trong tâm của những cơn bão. Những luồng gió thẳng đứng tại khu vực này có thể gây ra sức hủy diệt đối với cả những chiếc máy bay lớn nhất.

Các radar thời tiết hiện đại ngày nay có thể giúp phi công bay vòng qua các cơn bão để giúp họ thoát nạn trong gang tấc. Tuy nhiên nhiều phi công đã phàn nàn rằng sức ép về kinh tế và nhiên liệu từ các hãng hàng không giá rẻ đã buộc họ phải cắt giảm tính năng hiện đại này.

AirAsia là một hãng hàng không giá rẻ nổi tiếng ở khu vực, và không loại trừ khả năng hệ thống radar thời tiết trên máy bay đã không giúp được phi công trong việc bay vòng tránh các cơn bão đang hình thành trên biển.

Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng việc quyết định tăng độ cao lên gần mức trần cho phép của máy bay cũng có thể gây ra nguy cơ máy bay bị “khựng” và rơi xuống bởi một hiện tượng đặc biệt gọi là “góc quan tài”.

Theo thuật ngữ của ngành hàng không, khoảng độ cao khiến cho máy bay dễ có nguy cơ bị mất tốc độ và rơi vào tình trạng không thể kiểm soát được này gọi là “góc quan tài” (coffin corner), và mỗi loại máy bay lại có một loại “góc quan tài” riêng.

Hình ảnh minh họa về “góc quan tài” của máy bay

Một phi công của Vietnam Airlines từng giải thích: “Ở mỗi độ cao, máy bay luôn phải giữ vận tốc trong khoảng từ tốc độ tối thiểu đến tốc độ tối đa. Khi càng lên cao, biên độ giữa tốc độ tối thiểu và tốc độ tối đa càng bị thu hẹp, và khi hai mốc này bằng nhau, máy bay sẽ không thể kiểm soát được. Lúc đó, phi công phải hạ độ cao để có thể kiểm soát lại được máy bay”.

Vụ tai nạn máy bay của hãng Air France 447 đã làm thay đổi quy trình huấn luyện phi công trên thế giới, trong đó các hãng hàng không nhấn mạnh vào việc nhận ra những hạn chế của hệ thống máy tính kiểm soát phần lớn thời gian bay của máy bay và quay trở lại với khả năng tự xoay xở của phi công trong các tình huống khẩn cấp.

Chuyên gia hàng không Charles Bremner của Úc cho rằng nếu phi công vẫn quá phụ thuộc vào công nghệ và hệ thống máy tính trên máy bay, việc các cảm biến tốc độ bị đóng băng và việc tăng độ cao lên “góc quan tài” có thể khiến máy bay rơi vào tình trạng không thể kiểm soát và rơi nhanh chóng.

Hiện lực lượng tìm kiếm cứu nạn của Indonesia đang dốc toàn lực để tìm kiếm chiếc máy bay mất tích, nhưng điều kiện địa hình và khí hậu phức tạp đang cản trở đáng kể nỗ lực của họ. Gần 2 ngày sau khi QZ8501 mất tích, hiện vẫn chưa có bất cứ thông tin nào về số phận của các hành khách và phi hành đoàn trên máy bay.

Theo Trí Dũng (AFP, News.com / Dân Việt)-24h.com.vn